Lượt xem: 220

Chủ động bảo vệ đàn gia cầm cung ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán

Sản phẩm thịt gia cầm là mặt hàng được tiêu thụ khá mạnh vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, thời tiết giao mùa những tháng cuối năm dễ gây phát sinh bệnh cúm trên đàn gia cầm, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của bà con chăn nuôi. Tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn cùng những kinh nghiệm đúc kết được từ thực tế, nhiều hộ nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, đảm bảo đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, nhằm bảo toàn lợi nhuận kinh tế.

 


Tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn và hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng chăn nuôi theo quy trình an toàn dịch bệnh.

 

    Kế Sách là một trong những địa phương có tổng đàn gia cầm khá lớn với hơn 1 triệu con. Trong đó, khu vực xã Đại Hải chiếm gần 90% tổng đàn gia cầm toàn huyện. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ý thức chăn nuôi của nhiều hộ gia đình đã có những chuyển biến tích cực, từ hình thức chăn nuôi manh mún, nhiều hộ đã có sự đầu tư, nâng cấp chuồng trại, phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại với số lượng mỗi trại trên dưới 2.000 con. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh về công tác phòng ngừa dịch cúm trên đàn gia cầm, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kế Sách đã tổ chức tiêm phòng, phân công trách nhiệm cho cán bộ địa bàn trong việc giám sát khu vực có nguy cơ cao, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng chăn nuôi theo quy trình an toàn dịch bệnh. Anh Phạm Văn Dân, hộ nuôi gia cầm ở ấp Nam Hải, xã Đại Hải, huyện Kế Sách chia sẻ: “Cứ 1 tuần mình sát trùng chuồng trại từ 1 đến 2 lần. Khâu chăm sóc, cho ăn cũng phải thật kỹ, ví dụ nước phải là nước sạch, thức ăn đảm bảo được hàm lượng protein, khoáng chất, axit amin... đáp ứng đủ nhu cầu để đàn gà nâng cao sức đề kháng, có khả năng chống chọi tốt hơn với bệnh tật”.

    Riêng tại huyện Long Phú, kể từ năm 2019 đến nay, toàn huyện chưa ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm nào xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh tại một số tỉnh, thành trong khu vực, mọi biện pháp phòng bệnh vẫn được Trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương tổ chức tuyên truyền thường xuyên đến từng hộ gia đình nhằm hạn chế nguy cơ lây lan ngay khi xuất hiện ổ dịch cúm. Bên cạnh thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, vệ sinh máng ăn, máng uống, nhiều bà con còn chủ động liên hệ với nhân viên chăn nuôi và thú y địa phương thực hiện tiêm ngừa đầy đủ vaccine dịch cúm và một số loại bệnh  thường gặp khác. Chuồng nuôi cũng được phân theo từng khu rõ rệt nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm khi đàn gia cầm không may mắc bệnh. Anh Nguyễn Văn Toàn ở xã Trường Khánh, huyện Long Phú cho biết thêm: “Cúm gia cầm là loại bệnh rất nguy hiểm, nó có thể gây thiệt hại hàng loạt, đồng thời có thể lây nhiễm qua người. Nên trong chăn nuôi mình cũng chủ động tiêm phòng theo đúng lịch. Đồng thời cũng thực hiện sát khuẩn chuồng định kỳ theo chỉ dẫn của cán bộ thú y”.

    Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 7 triệu con gia cầm. Nhờ chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, tình hình bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, ở Sóc Trăng, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún còn chiếm hơn 96%, tập quán nuôi tận dụng trong nông hộ vẫn còn tồn tại... Đây là những nguyên nhân dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là trong giai đoạn giao mùa.

    Do cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền từ gia cầm sang người do tiếp xúc qua chăn nuôi hay ăn thịt gia cầm bị nhiễm bệnh nên ngành chuyên môn lưu ý hộ nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất khi phát hiện gia cầm mắc bệnh nhằm đảm bảo phát hiện, xử lý lý triệt để ổ dịch để tránh lây lan trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ lân cận, quan trọng là tránh trường hợp lây lan dịch bệnh sang người. Đồng chí Lâm Minh Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Về phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, triển khai ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Đặc biệt đối với các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ ngoài vào địa bàn qua các huyện cửa ngõ. Phối hợp liên ngành tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển tại Trạm kiểm dịch động vật đầu mối, địa bàn giáp ranh tỉnh bạn và giám sát chặt chẽ tình hình đàn gia cầm trong tỉnh, đặc biệt là các địa bàn có ổ dịch cũ. Tăng cường thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thực hiện “5 không” trong phòng, chống dịch, cung cấp bản tin về hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm”.

    Bình quân mỗi ngày, số lượng đàn gia cầm vận chuyển, nhập/xuất vào địa bàn tỉnh Sóc Trăng là khoảng 30.000 con, sức tiêu thụ sản phẩm thịt gia cầm khoảng 12.000 con/ngày, đảm bảo chủ động về mặt cung/cầu. Thực tế cho thấy, giá bán của sản phẩm thịt gia cầm vào dịp Tết Nguyên đán luôn ở mức cao và mang đến lợi nhuận kinh tế ổn định hơn so với những thời điểm khác trong năm. Chính vì vậy, ý thức phòng, chống bệnh trên gia cầm của bà con chăn nuôi đã có những thay đổi rõ rệt hơn theo từng năm nhằm tránh những thiệt hại về kinh tế. Hy vọng với sự đồng hành của mỗi hộ nuôi và ngành chuyên môn, thị trường thịt gia cầm vào cuối năm sẽ có nhiều khởi sắc, mang đến cho người nuôi một mùa Tết sung túc, đủ đầy; đồng thời, cung ứng cho người tiêu dùng lượng thịt sạch, đảm bảo an toàn.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 82
  • Hôm nay: 377
  • Trong tuần: 70,804
  • Tất cả: 11,802,811